Ngứa mắt có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, muốn chấm dứt tình trạng này, loại bỏ sự khó chịu trong đôi mắt, bạn có thể tham khảo một số cách điều trị dưới đây.
Nguyên nhân gây ngứa mắt là gì?
Bị dị ứng
Đây là nguyên nhân gây ngứa mắt phổ biến nhất, chủ yếu xuất phát từ các tác nhân: bụi, khói, thuốc, thức ăn, phấn hoa, lông động vật,... Về cơ bản, những trường hợp ngứa mắt này không nguy hại, chỉ cần chú ý tránh dụi mắt để không bị xước giác mạc vì thực tế có nhiều người không chịu được cơn ngứa nên dụi mắt nhiều, kết quả là giác mạc bị trợt và sẹo khiến cho thị lực bị suy giảm nghiêm trọng.
Bị khô mắt
Tình trạng này hay gặp ở người cao tuổi hoặc người hay tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử. Do mắt bị khô nên hay ngứa, nóng và nhức. Giảm thời lượng tiếp xúc với màn hình, sử dụng nước mắt nhân tạo và cho mắt có thời gian nghỉ ngơi thì dần dần sẽ khắc phục được hiện tượng khô, ngứa mắt.
Bệnh viêm bờ mi hoặc có dị vật trong mắt
Viêm bờ mi gây ra tình trạng sưng đỏ, ngứa, chảy nước mắt, viêm giác mạc, rụng lông mi,… Ngoài ra, khi có dị vật trong mắt như bụi, con thiêu thân, cát,... cũng dễ làm cho mắt ngứa ngáy. Những trường hợp này cần tránh dụi mắt để tránh nguy cơ loét hoặc xước giác mạc.
Dùng kính áp tròng
Nếu dùng kính áp tròng lâu ngày rất dễ bị khô, ngứa mắt do dị ứng. Đặc biệt, những người có tiền sử viêm mũi dị ứng hay hen suyễn thì điều này càng dễ xảy ra nên cần thận trọng với việc dùng kính áp tròng.
Điều trị ngứa mắt như thế nào?
Muốn điều trị hiệu quả hiện tượng ngứa mắt cần tìm ra nguyên nhân gây nên và căn cứ vào đó để thực hiện phác đồ phù hợp, cụ thể như:
- Viêm bờ mi khiến mắt bị ngứa: Nếu viêm sâu bên trong mắt có thể dùng thuốc bôi ngoài hoặc áp dụng thêm phương pháp hỗ trợ nếu thuốc bôi không hiệu quả.
- Viêm kết mạc dị ứng khiến mắt bị ngứa: Có thể dùng thuốc nhỏ hoặc thuốc uống có tác dụng bôi trơn nhãn cầu, giảm đau, giảm ngứa; hoặc kết hợp cả hai phương pháp này. Các loại thuốc chống viêm thuộc nhóm corticoid cũng có tác dụng cải thiện nhưng không nên dùng lâu dài bởi dễ gây biến chứng nguy hiểm đến thị lực.
- Kính áp tròng gây ngứa mắt: Khi đeo kính áp tròng thấy ngứa mắt thì việc đầu tiên cần làm là tháo ngay kính để tránh kích ứng nặng hoặc bị nhiễm trùng.
- Với trường hợp ngứa mắt chưa tìm được nguyên nhân: Bạn có thể làm ấm mắt bằng cách xoa hai bàn tay vào nhau cho ấm lên rồi áp sát vào mắt. Massage mí mắt bằng cách lấy ngón trỏ miết nhẹ đuôi mắt sau đó kéo căng đuôi mắt về phía tai và lại dùng ngón trỏ đặt lên góc mí gần với sống mũi, ấn nhẹ bờ mi và lại kéo căng từ sống mũi ra phía đuôi mắt.
Bên cạnh việc tìm ra nguyên nhân và dựa trên căn nguyên ấy để trị ngứa mắt thì người bệnh cũng cần kiêng các loại đồ uống chứa chất kích thích, tránh dụi mắt, tránh đồ cay nóng, tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Ngoài ra, việc đeo kính khi đi ra ngoài cũng là điều nên làm để bảo vệ đôi mắt an toàn trước các tác nhân gây hại từ môi trường.
Ngoài ra, nếu tình trạng ngứa mắt không thuyên giảm, bạn nên đến các bệnh viện chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời.