Nước mắt nhân tạo có tác dụng cấp ẩm, giảm khô cho mắt. Tuy nhiên sử dụng thế nào cho đúng cách vẫn là băn khoăn của nhiều người.
Tìm hiểu về nước mắt nhân tạo
Nước mắt nhân tạo là một hợp chất có nồng độ pH và tính chất tương tự như nước mắt tự nhiên, giữ vai trò chính là điều chỉnh độ ẩm cho mắt, bôi trơn và bảo vệ bề mặt nhãn cầu khi màng phim nước mắt bị rối loạn khiến số lượng nước mắt tự nhiên giảm. Bên cạnh đó, một số loại nước mắt nhân tạo có công dụng hỗ trợ làm lành tế bào biểu mô giác mạc được chỉ định trong trường hợp sau phẫu thuật can thiệp bề mặt nhãn cầu.
Ngày nay, bạn có thể dễ dàng mua các loại nước mắt nhân tạo tại các hiệu thuốc mà không bắt buộc phải dùng theo đơn của bác sỹ. Do đó người sử dụng có thể gặp khó khăn trong việc lựa chọn loại phù hợp giữa rất nhiều chủng loại khác nhau được bán trên thị trường. Bên cạnh đó, việc không có sự chỉ định của bác sỹ cũng khiến người dùng không phải ai cũng biết sử dụng đúng cách và phù hợp với mắt để đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Những lưu ý khi sử dụng nước mắt nhân tạo
1. Lựa chọn loại nước mắt nhân tạo phù hợp
Các loại nước mắt nhân tạo hầu hết đều có thành phần tương tự nhau nhưng khác nhau về nồng độ của hoạt chất điều trị và chất bảo quản. Tùy theo mức độ, tình trạng khô mắt hoặc mục đích điều trị mà người bệnh nên sử dụng loại nào để đạt hiệu quả tối ưu. Cụ thể, loại có ít hoặc không chứa chất bảo quản sẽ có tác dụng nhanh và phù hợp hơn với trường hợp khô mắt mãn tính, cần dùng thường xuyên trong thời gian dài. Loại chứa nhiều natri hyaluronat – một hoạt chất vừa có công dụng bôi trơn bề mặt nhãn cầu vừa làm tăng độ hồi phục tế bào biểu mô kết - giác mạc, thường được khuyên dùng cho trường hợp khô mắt nặng hoặc sau phẫu thuật mắt
2. Liều dùng thông thường
Nếu không có chỉ định khác của bác sỹ, người bệnh có thể dùng nhỏ mắt 3-4 lần/ ngày, mỗi lần nhỏ 1 giọt vào mỗi mắt, trong khoảng 1-3 tháng. Trong trường hợp hỗ trợ điều trị sau phẫu thuật, người bệnh có thể nhỏ tối đa 8 lần/ ngày.
3. Cách bảo quản
Hầu hết các loại nước mắt nhân tạo có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng từ 15 – 30 độ C, trong lọ hoặc tép đậy kín. Thông thường, sau khi đã mở nắp, thuốc dạng lọ có thể dùng trong 2-4 tuần, thuốc dạng tép có thể dùng trong 1-3 ngày tùy vào loại thuốc và liều lượng chất bảo quản. Người bệnh lưu ý chỉ nên dùng tay sạch, không nên dùng dao kéo để mở nắp lọ/tép để tránh vi khuẩn xâm nhập, từ đó giữ an toàn cho mắt và bảo quản thuốc được lâu hơn.
Hầu hết các loại nước mắt nhân tạo có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng từ 15 – 30 độ C, trong lọ hoặc tép đậy kín. Thông thường, sau khi đã mở nắp, thuốc dạng lọ có thể dùng trong 2-4 tuần, thuốc dạng tép có thể dùng trong 1-3 ngày tùy vào loại thuốc và liều lượng chất bảo quản. Người bệnh lưu ý chỉ nên dùng tay sạch, không nên dùng dao kéo để mở nắp lọ/ tép để tránh vi khuẩn xâm nhập, từ đó giữ an toàn cho mắt và bảo quản thuốc được lâu hơn.
4. Trường hợp cần ngưng sử dụng
Người bệnh không nên dùng thuốc khi thấy dung dịch đổi màu so với ban đầu, thuốc đã mất đi độ trong suốt, đã quá hạn sử dụng hoặc lọ/tép đựng bị hở trước khi dùng.
5. Trường hợp cần gặp bác sỹ chuyên khoa
Khi thấy mắt đỏ, ngứa, rát, sưng kéo dài hoặc gặp các triệu chứng bất thường khác sau khi nhỏ thuốc, người bệnh cần tới gặp bác sỹ điều trị cho mình hoặc bác sỹ chuyên khoa gần nhất để thăm khám. Các dấu hiệu đó có thể là phản ứng của cơ thể do dị ứng với thành phần của thuốc hoặc cũng có thể cho thấy mắt đang có những bệnh lý khác.
Mặc dù hầu hết các loại nước mắt nhân tạo được xếp vào danh mục thuốc không bắt buộc kê đơn, người dùng vẫn cần thận trọng khi sử dụng, đặc biệt là những trường hợp sau phẫu thuật, điều trị bệnh mắt mãn tính hoặc có tiền sử dị ứng.