Khám mắt định kỳ rất quan trọng nhằm tầm soát sớm những bệnh lý nhãn khoa ảnh hưởng đến thị lực. Có rất nhiều bệnh về mắt không có triệu chứng cụ thể, diễn tiến âm thầm và chỉ có thể phát hiện khi đi thăm khám chuyên sâu.
Tầm quan trọng của khám mắt định kỳ
Lý do cần phải duy trì việc khám mắt định kỳ bởi thị lực thường bị giảm sút rất nhanh khi mắc các bệnh nhãn khoa. Nhiều bệnh về mắt thường không có triệu chứng cụ thể, đôi khi âm thầm nhưng lại gây ảnh hưởng đến thị lực, chẳng hạn như:
- Bệnh Glaucoma (cườm nước);
- Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác;
- Đục thủy tinh thể;
- Bệnh võng mạc tiểu đường.
Việc duy trì khám mắt định kỳ không chỉ giúp tầm soát sức khỏe đôi mắt, mà còn có thể phát hiện những bệnh lý nghiêm trọng khác của cơ thể. Bao gồm:
- Bệnh tiểu đường khi không được kiểm soát tốt, có thể dẫn đến bệnh võng mạc tiểu đường.
- Huyết áp cao: Nếu các mạch máu ở mắt bị thu hẹp hoặc bắt đầu bị rò rỉ thì có thể đó là dấu hiệu của bệnh huyết áp cao.
- Đột quỵ: Một vài biểu hiện có thể thấy khi khám mắt như đốm nhỏ màu xám trong tầm nhìn, thị lực mờ dần ở một hoặc hai mắt…
- Mỡ máu cao: Một vòng màu xám hoặc trắng xuất hiện xung quanh giác mạc. Đối với người lớn tuổi có thể là biểu hiện của sự lão hóa. Còn với người trẻ, có thể đang bị mỡ máu cao.
- Tổn thương gan: Tình trạng vàng mắt có thể là biểu hiện của bệnh gan do lượng Bilirubin cao (chất được tạo ra nhiều hơn khi gan bị viêm hoặc tổn thương).
- Cường giáp: Mắt bị lồi, xuất hiện chứng nhìn đôi và mất thị lực có thể là biểu hiện của tình trạng tuyến giáp tiết ra quá nhiều hoóc môn.
- Thoái hóa điểm vàng: Biểu hiện đặc trưng là các cặn nhỏ màu vàng – do chất thải tích tụ – hình thành dưới võng mạc. Tình trạng này diễn ra lâu ngày sẽ ngăn chất dinh dưỡng đi đến võng mạc, khiến lớp tế bào này chết đi. Từ đó dẫn đến thoái hóa và mất chức năng thị giác.
- Đục thủy tinh thể: Tình trạng thị lực như bị kéo mây; mắt mờ khi nhìn vào ánh sáng của đèn pha đối diện lúc chạy xe vào buổi tối.
.jpg)
Bao lâu nên khám mắt định kỳ?
Thông thường khám mắt nên được duy trì mỗi năm 1-2 lần. Tuy nhiên, với mỗi độ tuổi và tình trạng sức khỏe mắt khác nhau sẽ quy định thời gian khác nhau. Theo đó, bác sĩ khuyến cáo:
- Với trẻ không có yếu tố nguy cơ mắc các bệnh về mắt nên được kiểm tra thị lực vào mỗi lần khám sức khỏe định kỳ. Khi trẻ lên 3, bác sĩ sẽ dễ dàng đánh giá mắt của trẻ hơn.
- Trẻ từ 6 – 17 tuổi: Kiểm tra mắt định kỳ 1-2 lần/ năm. Trường hợp trẻ bị tật khúc xạ như cận, loạn thị… nên đo kính 6 tháng/ lần để lấy độ phù hợp.
- Người từ 18 tuổi – dưới 40 tuổi và không có vấn đề gì về mắt nên kiểm tra định kỳ 2 năm một lần.
- Từ 40 tuổi trở lên nên đi kiểm tra mắt 1 năm/ lần
- Nếu đã từng gặp vấn đề về mắt hoặc có nguy cơ phát triển bệnh (tiền sử gia đình có người mắc bệnh) nên đi khám hàng năm.