Đối với một số bệnh nhân mắc các bệnh lý về đáy mắt, tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định tiêm nội nhãn. Vậy tiêm nội nhãn là gì? Được chỉ định trong những trường hợp nào là thắc mắc của nhiều người.
Tiêm nội nhãn là gì?
Tiêm nội nhãn là phương pháp tiêm thuốc vào tiền phòng hoặc tiêm tiêm thuốc vào buồng dịch kính nhằm điều trị một số bệnh lý nhãn khoa. Cơ chế tiêm trực tiếp vào nội nhãn giúp đạt nồng độ thuốc tối đa trong nhãn cầu và hạn chế các tác dụng của thuốc lên toàn thân. Tiêm nội nhãn là phương pháp được sử dụng để điều trị các bệnh lý về đáy mắt.
Tiêm nội nhãn được chỉ định trong trường hợp nào?
Tiêm nội nhãn được bác sĩ chỉ định trong các bệnh lý về đáy mắt như:
- Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh;
- Bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác hoặc thoái hóa điểm vàng do cận thị;
- Bệnh phù hoàng điểm do tắc mạch võng mạc;
- Bệnh Glôcôm tân mạch;
- Polip hắc mạc;
- Bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc;
- Người mắc các bệnh lý viêm bán phần trước, viêm nội nhãn, viêm hắc võng mạc do virus;
- Viêm màng bồ đào sau kéo dài;
- Một số bệnh lý đặc biệt khác theo chỉ định của bác sĩ.
Các loại thuốc tiêm nội nhãn
Các nhóm thuốc thường được dùng tiêm nội nhãn hiện nay là:
Nhóm kháng sinh: vancomycin, ceftazidim, amikacin, amphotericin B…
- Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng. Trong những trường hợp nặng như nhiễm trùng dịch kính (viêm nội nhãn), thuốc được tiêm vào mắt để trì hoãn sự khởi phát của tình trạng viêm nội nhãn và tiệt trùng trong khoang dịch kính.
Nhóm chống viêm: dexamethason, triamcinolon…
- Dexamethasone (ozurdex) là loại corticoid được chế dạng mảnh cấy hình que, dùng một lần. Hiệu quả của thuốc kéo dài lên đến 180 ngày và đã được chứng nhận bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) trong điều trị phù hoàng điểm dạng nang (CME), phù hoàng điểm tiểu đường, và viêm màng bồ đào mắt.
- Triamcinolone acetonide là một corticoid. Đây là thuốc dùng ngoài danh mục. Hiệu quả của thuốc kéo dài lên đến 120 ngày.
Thuốc chống tăng sinh tân mạch: bevacizumab, pegaptanib, ranibizumab…
- Bevacizumab (avastin) là loại thuốc kháng VEGF “ngoài danh mục” mà các bác sĩ Khoa mắt sử dụng để điều trị bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già và các bệnh lý đáy mắt khác.
- Ranibizumab (lucentis) là một loại thuốc kháng VEGF; thành phần là một mảnh của kháng thể đơn dòng và đã được chứng nhận bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho điều trị bệnh phù hoàng điểm tiểu đường, bệnh thoái hóa hoàng điểm thể ướt, và phù hoàng điểm do các bệnh lý mạch máu.
Thủ thuật tiêm thuốc kháng yếu tố tăng trưởng nội mạc mạch máu (kháng-VEGF) hoặc corticoid vào dịch kính có thể giúp điều trị bệnh lý hoàng điểm. Bệnh nhân thường phải qua một quá trình tiêm trong hơn một năm hoặc lâu hơn nữa để việc điều trị có hiệu quả.
Ưu và nhược điểm của phương pháp tiêm nội nhãn
Ưu điểm
- Phương pháp này mang lại kết quả rất tích cực đặc biệt đối với những người bệnh ở giai đoạn sớm.
- Phương pháp tiêm nội nhãn thuốc chống tăng sinh (Anti-VEGF) còn dễ dàng thực hiện khi có các yếu tố gây khó khăn cho việc điều trị bằng laser như: sẹo giác mạc, đục thủy tinh thể hoặc xuất huyết dịch kính.
- Bệnh nhân có thể thực hiện tiêm và ra về trong cùng một ngày.
Nhược điểm
- Với phương pháp điều trị tiêm nội nhãn, bệnh nhân thường phải trải qua một quá trình tiêm lâu dài với nhiều mũi tiêm để việc điều trị đạt được hiệu quả.
- Một số biến chứng tại mắt có thể xảy ra đối với bệnh nhân tiêm nội nhãn tuy nhiên triệu chứng này có thể tự khỏi sau khoảng 5 ngày.
Quy trình tiêm nội nhãn tại Mắt Việt – Nga
Bước 1: Sát trùng mắt bằng dung dịch sát khuẩn.
Bước 2: Nhỏ tê bề mặt.
Bước 3: Sử dụng dụng cụ để cố định mắt.
Bước 4: Sử dụng kim tiêm và kỹ thuật tiêm tương ứng để bơm thuốc vào tiền phòng hoặc vào buồng dịch kính.
Bước 5: Rút kim, có thể dùng tăm bông vô trùng ấn ngay tại vết tiêm để tránh thuốc trào ngược ra ngoài.
Thời gian thực hiện tiêm nội nhãn chỉ trong khoảng 1 phút, tuy nhiên trước đó bệnh nhân cần thực hiện các bước chuẩn bị trước tiêm, do đó toàn bộ quá trình sẽ kéo dài khoảng 30 phút.
Trên đây là những thông tin về tiêm nội nhãn, bệnh nhân nếu có bất cứ thắc mắc nào có thể liên hệ theo hotline 093.835.1688 - 0203.730.8688 để được tư vấn.
Xem thêm video: Bệnh nhân nói về sự khác biết trước và sau phẫu thuật đục thủy tinh thể